Rườm rà đám cưới quê ngày nay
Chẳng riêng mẹ tôi, xem ra nhiều người cũng có nỗi băn khoăn đó. Việc cưới, cỗ cưới xưa ở nông thôn chỉ cần có con lợn, vài chục cân gạo nếp là xong, còn ngày nay "bung ra" theo lối thị thành, cỗ bàn đủ món; nhiều khi còn đặt cỗ ở nhà hàng, tiệc mặn tiệc ngọt đủ thứ, sinh ra sự xa xỉ. Những khách dự đám cưới đều chúc mừng hạnh phúc cho cặp uyên ương bằng “phong bao” hàng trăm nghìn đồng. Vợ chồng tôi có ngày nhận được bốn giấy mời (con của bạn thân bên chồng, bên vợ rồi các cháu trong quan hệ gia đình) thường gọi đùa là “phiếu ăn cơm giá cao”, hay “thiệp… moi”… Hàng tháng, tính sơ sơ cũng có ba, bốn đám cưới mời, tiền mừng ít ra cũng phải bốn, năm trăm.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Ông hàng xóm của tôi phàn nàn: Chỉ là chỗ quen biết sơ sơ thôi, cũng được ông nọ, bà kia "trân trọng kính mời". Không đi thì ngại bị mang tiếng là ít giao lưu, quan hệ, hoặc ngại làm "xấu mặt người mời". Ði thì phải có tiền. Người có thu nhập còn đỡ, nhiều người lương thấp mà cứ phải tiếp tục “giao lưu” theo kiểu như vậy thì mệt quá.
Ở quê tôi bây giờ nhà hàng mọc lên như nấm. Các “chiêu” cạnh tranh được khai thác triệt để, quảng cáo ồn ã... Có thời điểm “mùa” cưới, khách hàng phải đăng ký xếp hàng trước hàng tháng, nhất là những nhà hàng, khách sạn có thương hiệu. Người nhà quê nghe đến giá tiền mỗi mâm cỗ có giá bạc triệu, xót lắm, vì thấy quá lãng phí.
Nếu cứ tính “lượng cỗ” ấy, so với cỗ ở quê - có giá thành đắt hơn gấp đôi. Nhiều đám đạt "kỷ lục" tới vài trăm mâm, chi phí tới hàng trăm triệu đồng. Ăn cỗ cưới thời nay, “uống nhiều hơn ăn”, “thưởng thức bằng mắt” là chính, nên hầu như cỗ các đám cưới đều dư thừa, lãng phí. Mỗi lần đi ăn cưới về, mẹ tôi lại chép miệng: “Nhiều người hiện còn đang thiếu đói, không có mà ăn, thấy thức ăn thừa thãi ở đám cưới, mẹ nhìn thấy mà tiếc quá. Thật là kẻ ăn không hết người lần chẳng ra!”
Cỗ cưới ngày càng đua theo “mốt” với các món ăn mới lạ. Số tiền mừng, vì thế, cứ nâng dần lên theo giá thị trường: 50 nghìn đồng rồi đến 100 nghìn đồng, 200 nghìn đồng, 500 nghìn đồng… và rồi sẽ còn leo thang đến mức nào nữa đây?
Nhân dịp cưới xin con cái, cũng không ít người có chức có quyền muốn thông qua việc vui của con để thu lời “chính đáng!”. Mỗi đám cưới lớn đến vài trăm mâm cỗ thì số tiền thu về lên đến hàng trăm triệu đồng !
Lại có chuyện muốn “bằng anh bằng chị”, nhiều gia đình thuộc diện khó khăn, thậm chí không lo nổi việc học hành cho con cái, nhưng khi cưới vợ cho con, cũng gắng đầu tư “hết số” với năm, bảy chục mâm, chẳng chịu thua kém ai. Rồi sau đó nai lưng ra trả nợ hàng năm trời chưa hết.
Có đám cưới con của một vài công chức địa phương và một số người có “máu mặt”, tuy không “quy mô” như thị thành, nhưng giờ cũng lên tới hàng trăm mâm. Nhà không có sân rộng thì có thể nhờ cả sân nhà hàng xóm, hoặc mời theo giờ để đón khách. Bên cạnh các dịch vụ chụp ảnh, thuê váy áo, trang điểm cho cô dâu chú rể, có đám cưới còn thuê cả dịch vụ nấu ăn ở phố về.
Từ chuyện cưới xin, nhiều gia đình lâm vào tình trạng bố mẹ và con cái to tiếng với nhau vì tiền mừng cưới của con - bố mẹ đã cầm và chi tiêu hết rồi - giờ “cột” trách nhiệm cho con cái phải “đi trả nợ” dài dài.
Tôi có một đứa cháu lớn chuẩn bị lập gia đình, vợ chồng chú em tôi (cả hai đều là công chức ở tỉnh) mời mẹ cùng chú ruột và vợ chồng tôi ra chơi để bàn việc cưới hỏi cho cháu. Danh sách dự kiến mời khách dự cưới của vợ chồng chú em tôi, ngoài người thân “ba bề bốn bên”, cùng hai bên nội ngoại của bố mẹ, thông gia rồi khách cơ quan đoàn thể, bè bạn của vợ, của chồng, của con... lại còn bao nhiêu chỗ quan hệ, giao lưu khác... dài dằng dặc, vị chi có đến bảy trăm người - tương ứng với hơn một trăm mâm cỗ cưới.
Mẹ tôi ngồi nghe rồi lên tiếng:
- Không muốn là người bảo thủ, lạc hậu, nhưng theo mẹ thế này, những chỗ thật thân tình thì các con hãy mời. Người ở xa, già cả, đau yếu, thay cho việc mời, các con nên “báo hỷ” cho chu đáo. Những bậc ngang hàng với bố mẹ đến dự, các con lưu ý đón tiếp cho phải phép. Chớ vì việc vui của mình mà để mọi người phải nghĩ ngợi, lo lắng về độ đường, thái độ cư xử cũng như tiền bạc. Theo mẹ, cốt làm cho đúng tập tục, lễ nghi sao cho trang trọng, vui vẻ, tiết kiệm. Chuyện trăm năm chớ nên ganh đua và đừng để mang tiếng lấy việc vui để trục lợi.
Vợ chú em tôi chừng như còn băn khoăn:
- Chúng con thấy khó quá, vì có nhiều chỗ chúng con ngại từ chối. Trước đây họ đã mời mình rồi, vả lại lo các cháu tủi vì thua chị kém em.
Mẹ tôi ôn tồn :
- Khó hay không là ở các con, nếu cứ mời dự cưới theo kiểu “đòi nợ” như vậy thì mẹ cũng chịu. Các con có dứt khoát bỏ qua những điều băn khoăn ấy thì hãy mời mẹ, chú và anh chị ra đến đây để bàn, không thì tùy các con vậy ?
Ông chú tôi đỡ lời:
- Mẹ cháu nói đúng đấy ! Chú cũng tán thành việc cưới hỏi cho đúng tập tục, tập quán, thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, như ý kiến của mẹ cháu, không để việc vui trở thành nỗi lo lắng, gánh nặng cho mỗi gia đình và mọi người.
Tôi vỗ vai đứa cháu (sắp làm rể):
- Ý kiến bà và ông bàn, cháu thấy thế nào ?
Chàng rể tương lai khôn ngoan:
- Vâng, cháu cũng thấy các cụ dạy là đúng, tổ chức cưới "to" vừa phải thôi... cho hai gia đình đỡ phải lo lắng nhiều.
Qua việc cưới hỏi của đứa cháu, tôi cứ suy nghĩ, ngẫm ngợi về những lời khuyên chí lý của mẹ tôi và nhận thấy, việc cưới hỏi thời bây giờ có điều còn lạc hậu hơn... so với thời “các cụ ngày trước”. Vẫn biết những gương sáng thực hiện nếp sống mới trong việc cưới xin đã thấy xuất hiện nơi này nơi nọ, nhưng chưa nhiều, chưa tạo thành “dòng chảy"” phổ biến trong xã hội ngày nay.
Ngô Quyết
Đông Anh-Hà Nội
LTS Dân trí - Cưới xin là chuyện hệ trọng của đời người, cần tổ chức sao lịch sự, ấm cúng để lại ấn tượng tốt đẹp cho cô dâu chú rể cũng như hai họ và những bạn bè thân thiết.
Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, nên tổ chức sao cho phù hợp. Không phải là đám cưới to tát, sang trọng mới đem lại hiệu quả mong muốn. Cái quan trọng là tấm lòng chân thành và thái độ trân trọng của cả chủ và khách vốn là những người thân thiết, quý hóa nhau, coi đây là dịp họp mặt vui vẻ để chúc mừng hạnh phúc tốt đẹp cho cô dâu chú rể; ngoài ra không có mục đích nào khác.
Một đám cưới mang nét đẹp văn hóa thời nay hoàn toàn xa lạ với chuyện cầu lợi, thích phô trương khoe khoang hoặc chỉ là để “trả nợ miệng” cho nhau.
Những chuyện tổ chức đám cưới rườm rà, tốn kém, được phản ảnh trong bài viết trên đây là những “hủ tục” của thời nay mà mọi người nên tránh.
2 nhận xét:
đã rục rịch cưới rồi sao >:)
còn khuya
Đăng nhận xét